Đất Hòa An ngày nay là đất Thạch Lâm xưa. Huyện Thạch Lâm đời Lý, Trần và đời Lê sơ là châu Thái Nguyên, lần lượt thuộc các phủ Lạng Sơn, phủ Bắc Bình của trấn Thái Nguyên. Cuối đời Lê Hồng Đức, châu Thái Nguyên đổi là châu Thạch Lâm thuộc phủ Cao Bằng, trấn Thái Nguyên. Năm Minh Mệnh thứ 15 (1834) châu Thạch Lâm đổi thành huyện Thạch Lâm; năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), triều đình nhà Nguyễn cho rằng tỉnh Cao Bằng chỉ có một phủ và năm huyện, đất đai khá rộng, nên quyết định đặt thêm phân phủ để chia sẻ bớt công việc. Vua Minh Mệnh sai trích lấy hai huyện là huyện Thạch Lâm và Thạch An, đặt phủ Hòa An, lỵ phủ Hòa An đặt ở xã Nhượng Bạn. từ đây có tên Hòa An. Tri phủ Hòa An có chức trách kiêm lý huyện Thạch Lâm và thống hạt huyện Thạch An. Năm Tự Đức thứ tư (1851) triều đình lại bỏ phủ Hòa An. Tỉnh Cao Bằng chỉ còn một phủ là Trùng Khánh gồm năm huyện: Thạch Lâm, Thạch An, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang. Thời Pháp thuộc, từ năm 1905, huyện Thạch Lâm đổi là phủ Hòa An. Theo sách “Danh mục các làng xã Bắc Kỳ” của Ngô Vi Liễn, xuất bản tại Hà Nội năm 1928, tỉnh Cao Bằng gồm: 1 phủ, 8 châu, 33 tổng, 230 xã. Phủ Hòa An gồm 7 tổng, 54 xã (An Lại: 6 xã, Cao Bằng: 7 xã, Hà Đàm: 5 xã, Nhượng Bạn: 11 xã, Tĩnh Oa: 9 xã, Tượng Yên: 11 xã, Xuân Sơn: 5 xã). Những năm sau cách mạng, phủ Hòa An đổi thành huyện Hòa An. Đất Hòa An ngày nay chiếm đại bộ phận châu Thạch Lâm thời Minh Mệnh.
Từ năm 1954 đến 2002, huyện Hoà An gồm thị trấn Nước Hai và 24 xã; Năm 2002, xã Đề Thám được nhập vào thị xã Cao Bằng và đến năm 2010, các xã: Hưng Đạo, Vĩnh Quang, Chu Trinh cũng được nhập vào thị xã Cao Bằng. Từ tháng 10 năm 2010, sau khi điều chỉnh, huyện Hòa An còn có 21 đơn vị hành chính, gồm một thị trấn và 20 xã.
Từ tháng 01 năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng, theo đó huyện Hoà An có 15 đơn vị hành chính gồm thị trấn Nước Hai và 14 xã, dân số gần 6 vạn người, gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số.
Là nơi sớm có truyền thống yêu nước, là quê hương cách mạng. Ngày 01/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh, của huyện Hòa An được thành lập tại Nặm Lìn, xóm Hào Lịch, xã Hoàng Tung. Đây là một mốc son, một sự kiện lịch sử đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng. Từ đây Nhân dân Hoà An dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết thành một khối vững chắc đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.
Phong trào cách mạng của huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng phát triển nhanh, mạnh mẽ, vững chắc, trở thành trung tâm của cách mạng; luôn được sự chỉ đạo cụ thể của Bác Hồ, của Trung ương Đảng, trực tiếp là đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Oanh… và sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy. Vùng căn cứ Lam Sơn (Hồng Việt) trở thành “Đại bản doanh” của cách mạng của tỉnh, liên tỉnh. Trải qua quá trình lịch sử để lại cũng như trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, huyện Hòa An có số lượng di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng nhiều nhất trong toàn tỉnh. Hiện nay, toàn huyện hiện có 70 di tích, trong đó: 26 di tích đã được xếp hạng (gồm 13 di tích cấp tỉnh; 12 di tích cấp Quốc gia, 01 Bảo vật Quốc gia); 05 di tích lịch sử văn hóa. Các di tích nằm trên địa bàn của 07 xã, thị trấn: Hoàng Tung, Hồng Việt, Nam Tuấn, Trương Lương, Bạch Đằng, Dân Chủ và thị trấn Nước Hai.
Thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU ngày 13/8/2019 của Tỉnh ủy Cao Bằng về “Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2025”, Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 01/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hòa An về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về phát huy truyền thống quê hương cách mạng và nâng cao giá trị văn hóa dân tộc huyện Hòa An giai đoạn 2020 - 2025, để phục vụ công tác tuyên truyền sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về lịch sử vẻ vang của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; về truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của Nhân dân Cao Bằng; giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn; khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức xây dựng quê hương đất nước đối với các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Ủy ban nhân dân (UBND) huyện biên soạn cuốn tài liệu “Tuyên truyền các di tích lịch sử đã được xếp hạng trên địa bàn huyện Hòa An” tài liệu được tuyền truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trong huyện.
Xin trân trọng giới thiệu.